Thuốc & Sức khỏe

Viêm tai giữa có nguy hiểm không?

Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng mắc nhiều nhất. Cứ 10 trẻ dưới 3 tuổi lại có khoảng 5-8 trẻ mắc viêm tai giữa ít nhất một lần. Vậy bị viêm tai giữa có nguy hiểm không là điều mà mọi người cần biết.

Những Nội Dung Cần Lưu Ý

1.Viêm tai giữa có lây không?2. Biến chứng viêm tai giữa:2.1.Thủng màng nhĩ:2.2.Viêm tai giữa mạn tính:2.3. Hoại tử các thành phần trong tai giữa, viêm tai trong:3. Viêm tai giữa mạn tính có chữa được không?
1.Viêm tai giữa có lây không?
Nhiều người băn khoăn rằng viêm tai giữa có lây không? Nếu tôi tiếp xúc người bị viêm tai giữa thì có mắc bệnh không? Hay nếu trong lớp có bạn bị viêm tai giữa thì con, cháu tôi có bị lây không?

Câu trả lời là viêm tai giữa không phải bệnh lây nhiễm. Tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm tai giữa, hoặc dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm tai giữa không làm bạn mắc bệnh này.

 Bệnh viêm tai giữa không lây nhiễm. (Ảnh internet)

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, viêm tai giữa có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:

Virus gây bệnh cúm, virus sởi…
Các vi khuẩn gây viêm mũi xoang, viêm Amidan…
Hầu hết trẻ mắc viêm tai giữa cấp đều kèm theo viêm mũi xoang hoặc viêm amidan.

Do đó, trong giai đoạn viêm tai giữa cấp, các virus, vi khuẩn này có thể lây bệnh cúm, sởi, viêm mũi xoang… cho người khác, nhất là trẻ em có sức đề kháng kém.

2. Biến chứng viêm tai giữa:
Muốn biết bị viêm tai giữa có nguy hiểm không thì phải biết biến chứng viêm tai giữa.

Nhìn chung, nếu được điều trị kịp thời và chính xác, người bệnh viêm tai giữa cấp sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì. Nhưng có một số trường hợp biến chứng viêm tai giữa gây hậu quả nặng nề là:

Độc lực của vi khuẩn, virus gây bệnh quá mạnh khiến màng nhĩ và các bộ phận trong tai giữa hoại tử nhanh chóng.
Viêm tai giữa cấp điều trị không đúng, hoặc không được điều trị dẫn tới viêm tai giữa mạn tính và các biến chứng.

xem thêm: Thuốc điều trị viêm tai giữa cho trẻ

Các biến chứng viêm tai giữa là:

2.1.Thủng màng nhĩ:
Viêm tai giữa biến chứng thủng màng nhĩ (Ảnh internet)

Đây là biến chứng thường gặp nhất, do hai nguyên nhân:

Một là, do diễn biến tự nhiên của bệnh:

Mủ bị ứ đọng trong tai giữa, dẫn tới màng nhĩ căng phồng, đau đớn nhiều, sốt cao.
Giai đoạn sau, màng nhĩ quá căng dẫn tới thủng, giải thoát mủ ra ngoài, bệnh nhân đỡ đau đớn, giảm sốt.
Trường hợp này, lỗ thủng to nhỏ không đều, ở các vị trí khác nhau.
Nếu bệnh nhân được điều trị khỏi, và lỗ thủng không quá to, màng nhĩ có thể tự liền lại.
Nếu bệnh diễn biến thành viêm tai giữa mạn tính, lỗ thủng không thể tự liền. Người bệnh sẽ bị giảm khả năng nghe.

Hai là, do quá trình điều trị:

Bệnh nhân được chủ động trích rạch màng nhĩ, hút mủ. Đây là một bước điều trị viêm tai giữa.
Lỗ thủng không quá to, bờ gọn gàng. Sau khi điều trị khỏi, lỗ thủng sẽ tự liền. Màng nhĩ hồi phục như ban đầu.

2.2.Viêm tai giữa mạn tính:
Nguyên nhân do:

Viêm tai giữa cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng.
Viêm mũi họng mạn tính, viêm VA ở trẻ nhỏ, khối u vòm mũi họng ở người lớn.

Có hai thể viêm tai giữa mạn tính là

Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy. Người bệnh bị chảy mủ tai dai dẳng, nhưng dễ bỏ qua. Có thể nghe kém, ù tai, đôi khi nhói đau tai nhưng không đau rầm rộ như viêm tai giữa cấp. Người bệnh thường không sốt. Thể bệnh này không có tổn thương xương và các biến chứng nguy hiểm khác.

Chảy mủ tai trong bệnh viêm tai giữa (Ảnh internet)

Viêm tai giữa mạn tính có tổn thương xương hay còn gọi là viêm tai giữa hồi viêm. Trên nền bệnh mạn tính xen kẽ những đợt viêm rầm rộ gọi là hồi viêm. Người bệnh đau tai, đau đầu tăng lên, sốt cao, chảy mủ thối. Các biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa như viêm xương chũm, viêm não – màng não, áp xe não… được nêu dưới đây thường xuất hiện trong giai đoạn hồi viêm.

2.3. Hoại tử các thành phần trong tai giữa, viêm tai trong:
Viêm tai giữa mạn tính rất dễ gây hoại tử các thành phần trong tai giữa (như các xương con) và gây viêm tai trong. Hậu quả là:

Người bệnh sẽ bị điếc hoàn toàn, không hồi phục.
Tai trong còn có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể. Viêm tai trong gây cảm giác chóng mặt, mất khả năng giữ thăng bằng.
Dây thần kinh sọ số VII chạy qua tai giữa. Viêm tai giữa có thể gây liệt dây thần kinh VII, người bệnh sẽ bị mất cảm giác và liệt mặt.

2.3. Viêm xương chũm và các biến chứng nguy hiểm khác.

Xương chũm là một xương sọ, cấu tạo nên thành trong của tai giữa. Do đó thường gặp viêm tai giữa biến chứng thành viêm xương chũm, nhất là trong viêm tai giữa mạn tính. Hậu quả của viêm xương chũm là:

Viêm tai giữa tái đi tái lại nhiều lần, không thể điều trị khỏi nếu chưa giải quyết viêm xương chũm.
Xương chũm bị thủng ra ngoài, rò dịch, mủ viêm ra sau tai, gọi là viêm xương chũm xuất ngoại.
Viêm não – màng não, áp xe não, gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề như liệt, chậm phát triển trí tuệ…
Viêm tĩnh mạch bên, gây tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết, có khả năng tử vong cao.

3. Viêm tai giữa mạn tính có chữa được không?
Hậu quả nguy hiểm là thế, vậy viêm tai giữa mạn tính có chữa được không? Điều trị viêm tai giữa mạn tính rất khó khăn và cần kiên trì. Tùy vào từng thể bệnh mà phương pháp điều trị khác nhau.

 Điều trị tại chỗ viêm tai giữa (Ảnh internet)

Với cả hai thể bệnh, đều phải xử lý các nguyên nhân viêm mũi họng, viêm VA, u vòm, tránh bệnh tái phát.
Với thể viêm tai giữa mủ nhầy, chỉ cần điều trị thuốc và làm vệ sinh lau rửa mủ tại chỗ. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn và ít di chứng.
Với thể viêm tai giữa mạn tính có tổn thương xương, cần phẫu thuật để dẫn lưu mủ, lấy bệnh tích và tạo hình lại xương. Điều trị thể bệnh này khó khăn, bệnh có thể tái phát.Thể bệnh này thường để lại nhiều di chứng như điếc vĩnh viễn, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Vậy chúng ta đã trả lời được câu hỏi bị viêm tai giữa có nguy hiểm không. Hậu quả của viêm tai giữa không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh. Rất may mắn, viêm tai giữa có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng nếu được điều trị đúng và kịp thời. Đừng chủ quan với viêm tai giữa. Nếu bị viêm tai giữa, hãy đến gặp bác sỹ ngay trước khi quá muộn.

BS. Hồng Hạnh

Theo Nội khoa Việt Nam

Back to top button