Thoái hóa khớp cổ tay có chữa khỏi được không? điều trị bằng thuốc gì
Đánh giá bài viết ngay
Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý gây ra nhiều ám ảnh cho mọi đối tượng. Bởi không chỉ riêng người già mà ở bất kể độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh này nếu chăm sóc sức khỏe không đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về vấn đề này.
Thoái hóa khớp cổ tay là như thế nào?
Trong cấu trúc xương khớp của cơ thể người, giữa các đầu khớp luôn có một lớp mô đệm màu trắng, chính là sụn khớp. Chúng có dịch nhầy có tác dụng bôi trơn đầu khớp. Giúp cho các cử động của con người linh hoạt, mềm mại và dẻo dai hơn.
Thoái hóa khớp cổ tay là hiện tượng lớp mô sụn này bị mài mòn đi, không còn dịch nhầy để làm nhiệm vụ giảm ma sát như ban đầu. Lúc này các đầu xương khớp sẽ tiếp xúc trực tiếp với nhau khiến cho lực ma sát tăng lên gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Thông thường, bệnh xảy ra theo quy luật lão hóa tự nhiên của con người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Tình trạng thoái hóa khớp cổ tay kéo dài, không được can thiệp đúng cách có thể khiến các đầu sụn bị hư hỏng, gây ra cơn đau nhức kéo dài, rạn xương, gãy xương,…và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Các triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh thoái hóa khớp cổ tay bao gồm:
Ở các khớp, sụn phát ra tiếng lạo xạo khi làm việc hoặc cử động bàn tay, khớp tay
Có triệu chứng co cứng cơ khớp cổ tay, cánh tay vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy hoặc co cứng tay khi tay đã lâu không vận động
Cơn đau kéo dài, xuất hiện liên tục, âm ỉ nhưng có xu hướng giảm hơn khi được nghỉ ngơi, hạn chế vận động
Khó cầm nắm đồ vật hoặc cầm nắm cảm thấy không chắc chắn, sẽ bị rơi, khả năng chịu lực của tay kém dần.
Tay thường xuyên bị tê bì, khó khăn khi cử động, suy giảm năng suất lao động
Các nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp cổ tay
Trong số các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh thoái hóa khớp cổ tay, những nguyên nhân phổ biến được nhắc đến nhiều nhất là:
Do tính chất công việc
Những người thường xuyên phải lao động với cường độ cao, đôi bàn tay thường xuyên phải cử động trong thời gian dài như người làm nghề bưng bê, khuân vác, công nhân nhà máy, phụ nữ làm công việc nội trợ, nhân viên văn phòng làm việc thường xuyên với máy tính,….là những đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp cổ tay.
Người có tiền sử mắc bệnh xương khớp
Những người đã từng mắc các bệnh về xương khớp như bệnh viêm khớp dạng thấp, người mắc hội chứng ống cổ tay, người bị viêm bao gân cơ,…Đều là những đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp cổ tay. Do hệ thống dây thần kinh ở cổ tay bị kích thích gây thoái hóa và xuất hiện các triệu chứng tê bì các ngón tay, khó cử động ngón tay, cổ tay. Khi cử động bị đau nhức, co cứng,…
Thoái hóa khớp cổ tay do bị tai nạn, chấn thương
Trong trường hợp bạn từng bị tai nạn hoặc bị chấn thương khi chơi thể thao dẫn đến bong gân, trật khớp, gãy tay,..Sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa do xương khớp đã bị chấn thương ngay từ đầu.
Do quá trình lão hóa của tuổi tác
Lão hóa do tuổi tác là quy luật tự nhiên không ai có thể tránh khỏi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tất cả các bệnh thoái hóa về xương khớp ở mọi đối tượng.
Theo tiến trình phát triển và lão hóa, phần bao khớp dần bị khô, rỗng do thiếu chất nhầy và dịch khớp để bôi trơn. Do đó, xương khớp sẽ không thể duy trì được sự dẻo dai như trước đây. Lúc này ma sát giữa các khớp sẽ tăng lên và va chạm trực tiếp với nhau hình thành nên các gai xương nhỏ. Gây ra các cơn đau nhức khó chịu trong quá trình vận động, làm việc.
Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp cổ tay
Thông thường, bệnh thoái hóa khớp cổ tay được chẩn đoán bằng cách thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng bệnh bạn đang gặp phải. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ kết hợp thêm các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang. Nhằm đánh giá mức độ tổn thương và xác định chính xác vị trí các gai xương, tổn thương mô sụn. Cũng như các vị trí hốc xương đang bị thoái hóa và lõm xuống.
Căn cứ vào kết quả chẩn đoán bệnh, bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Do đó bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị đúng cách, không nên sử dụng thuốc, tránh để xảy ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phương pháp điều trị
Thoái hóa khớp cổ tay là căn bệnh khó điều trị dứt điểm. Đa phần các trường hợp thoái hóa là do yếu tố tuổi tác nên chưa có một loại thuốc đặc trị nào có thể khắc phục được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, hiện bệnh thoái hóa khớp cổ tay đang được điều trị dựa vào triệu chứng bằng các phương pháp sau:
Điều trị nội khoa
Nhóm thuốc được dùng để điều trị thoái hóa khớp cổ tay
Điều trị nội khoa chủ yếu được áp dụng các biện pháp như:
Dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm theo đơn thuốc của bác sĩ
Sử dụng nẹp chuyên dụng để cố định vị trí xương khớp bị thoái hóa, giảm sự tác động lên vị trí tổn thương
Kết hợp các biện pháp massage, chườm nóng, chườm lạnh hoặc chiếu đèn hồng ngoại để thư giãn thần kinh, xương khớp và khối cơ, giúp làm giảm cơn đau
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa thường được chỉ định là phẫu thuật để khôi phục hoặc thay thế mô sụn bị thoái hóa. Phương pháp này thường được chỉ định trong các trường hợp tổn thương nghiêm trọng. Các biện pháp đang được sử dụng là:
Phẫu thuật dự phòng: Có hiệu quả tốt trong việc cân bằng cổ tay và duy trì khả năng hoạt động của sụn khớp
Phẫu thuật bảo tồn: Giúp phục hồi chức năng khớp, nâng cao khả năng cử động tay
Phẫu thuật thay thế: Dùng kỹ thuật y tế xâm lấn để thay thế các khớp cổ tay đã bị thoái hóa.
Biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả
Mặc dù bệnh thoái hóa khớp cổ tay diễn ra khá phổ biến nhưng mỗi người chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và đẩy lùi căn bệnh này bằng các biện pháp dưới đây:
Lao động, làm việc và xây dựng thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Tránh vận động cổ tay, khớp tay quá nhiều trong thời gian dài
Mỗi ngày nên ngâm bàn tay với dung dịch nước muối sinh lý 2 lần, mỗi lần khoảng 15 phút
Kiểm soát tốt cân nặng để tránh làm tăng áp lực cho xương khớp
Ăn nhiều các loại hoa quả, rau xanh giàu vitamin C, D và canxi,…
Tích cực tập luyện thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời khi gặp các vấn đề chấn thương xương khớp.
Với nội dung chia sẻ trên đây, hy vọng đã đem đến bạn đọc thêm nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe đúng cách. Góp phần đẩy lùi bệnh tật.
Tìm hiểu thêm: Thoái hóa khớp khủy tay
Nguồn: VHO