Lupus ban đỏ biến chứng thận nguy hiểm thế nào?
Đánh giá bài viết ngay
Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn điển hình, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh. Trong các biến chứng do lupus ban đỏ gây ra thì biến chứng thận được đánh giá là trầm trọng nhất. Vậy bệnh lupus ban đỏ biến chứng thận nguy hiểm như thế nào, cách điều trị và phòng ngừa chúng ra sao. Bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh giải đáp được các thắc mắc trên.
Bệnh lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn và suy yếu. Thông thường, hệ miễn dịch đóng vai trò tạo hàng rào bảo vệ giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn. Khi cơ thể mắc lupus ban đỏ hoặc một số bệnh lý tương tự khác, hệ thống miễn dịch này bị ảnh hưởng, mất đi khả năng nhận biết và phân biệt đâu là tác nhân gây hại đâu là mô cơ thể, dẫn đến nhầm tưởng các mô của cơ thể cũng là các tác nhân lạ kia nên đã phản ứng sinh ra các kháng thể chống lại các tế bào của đa số các cơ quan trong cơ thể.
Lupus ban đỏ có hai dạng chính là:
Dạng đĩa (dạng thông thường): Da bị tổn thương nhưng không có tổn thường bên trong nội tạng
Dạng lupus ban đỏ hệ thống: Cả da và cơ quan nội tạng đều bị tổn thương
Dấu hiệu của bệnh lupus ban đỏ cũng khá tương tự với nhiều bệnh khác. Nếu bạn phát hiện mình có ít nhất bốn trong các biểu hiện dưới đây thì nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
Thường xuyên sốt không rõ nguyên nhân
Rụng tóc
Xương khớp bị đau nhức
Ở mặt xuất hiện các phát ban hình cánh bướm
Rối loạn tiêu hóa
Khô miệng và mắt, cơ thể mệt mỏi
Gặp các vấn đề về tuyến giáp
Viêm thận lupus
Bệnh lupus ban đỏ biến chứng thận nguy hiểm như thế nào
Theo thống kê gần đây nhất, cứ ba người bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì có một người bị biến chứng thận bị tổn thương ở dạng viêm mãn tính, hay còn được gọi là bệnh thận do lupus ban đỏ hệ thống.
Lupus ban đỏ biến chứng thận rất nguy hiểm bởi khi bị viêm thận, chức năng của thận bị suy giảm, hoạt động không bình thường, protein có thể bị rò rỉ, nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể dẫn đến bị suy thận nặng.
Nguyên nhân khiến lupus ban đỏ biến chứng thận
Khi bệnh nhân bị mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch của người đó bị rối loạn tạo ra các kháng thể triệt tiêu và chống lại các tế bào của hầu hết các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả thận. Sự xâm nhập và tấn công này gây ra các bệnh về thận như suy thận, viêm thận lupus,…
Viêm thận lupus là bệnh lupus xảy ra và gây viêm ở thận, làm suy giảm chức năng thận khiến thận không thể thực hiện được nhiệm vụ loại bỏ các chất thải khỏi máu trước khi bài tiết ra ngoài hoặc không kiểm soát được lượng chất lỏng trong cơ thể.
Viêm thận lupus phát triển mạnh trong 5 năm đầu tiên và thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 20-40. Có rất ít các dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn đầu của bệnh viêm thận lupus. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh thường là tăng cân, phù nề ở bàn chân, chân, mắt cá chân, tay hoặc mí mắt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ thấy nước tiểu có xuất hiện bọt hoặc có màu đỏ. Người bệnh có thể thực hiện xét nghiệm lâm sàng nước tiểu để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh viêm thận lupus.
Các bệnh thận khác liên quan đến lupus
Trên thực tế thì không phải tất cả các triệu chứng của bệnh thận ở những bệnh nhân mắc lupus đều do viêm thận lupus. Bởi vẫn có một số vấn đề về thận khác có thể diễn ra khi người bệnh đang bị lupus bao gồm:
Bệnh lupus không gây nhiễm trùng thận nhưng lupus ban đỏ biến chứng thận gây ức chế hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ở người bệnh hơn
Việc sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid, aspirin có thể gây ra các tác dụng phụ như duy trì chất lỏng, mất chức năng thận. gây ra bệnh viêm thận kẽ.
Gây tiểu nhiều lần, đau rát khi đi tiểu
Viêm mạch và huyết khối là hai triệu chứng lupus có ảnh hưởng đến máu và cũng có thể làm hỏng thận, gây suy thận.
Viêm bàng quang lupus gây viêm niêm mạc bàng quang, khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên, khó chịu bụng, buồn nôn, nôn và sụt cân.
Triệu chứng của bệnh thận lupus
Bệnh lupus ban đỏ biến chứng thận có nhiều triệu chứng điển hình và được chia thành 4 nhóm như sau:
Nhóm 1: Những bệnh nhân ở nhóm này thường có những triệu chứng của bệnh lupus nhiều hơn bệnh về thận nhưng lâu dần, các nguy cơ về bệnh thận có khả năng bùng phát khá cao. Các triệu chứng bệnh thận ở nhóm này thường là protein niệu ít, hồng cầu niệu nhưng không thể hiện ra triệu chứng bên ngoài nên khó để có thể nhận biết.
Nhóm 2: Đây là nhóm chiếm tỷ lệ cao, có đến 40-60% người bệnh bị lupus ban đỏ thuộc nhóm này mà biểu hiện điển hình của nó là hội chứng thận hư. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị tăng huyết áp, có cặn ở nước tiểu,…Bệnh sẽ tiến triển nặng theo hướng tăng huyết áp và bệnh về thận nặng trong vòng dưới 10 năm.
Nhóm 3: Các bệnh nhân ở nhóm này sẽ có những triệu chứng của bệnh thận nặng. Người bệnh có những triệu chứng tăng huyết áp, suy thận, thận hư, hồng cầu niệu. Người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Nhóm 4: Các bệnh nhân ở nhóm này có biểu hiện viêm cầu thận tiến triển khá nhanh. Các triệu chứng ở nhóm này điển hình là tăng huyết áp nặng, suy tim, phù nề, suy thận. Các biến chứng rất nguy hiểm có thể xảy ra ở nhóm này là: Hội chứng tan máu, ure trong máu cao, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
Phòng ngừa – kiểm soát bệnh thận do lupus ban đỏ hệ thống
Trước sự nguy hiểm của các biến chứng, để phòng ngừa và kiểm soát bệnh lupus ban đỏ biến chứng thận, các bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây:
Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày
Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối nếu người bệnh bị huyết áp cao
Có chế độ tập luyện thể thao lành mạnh
Hạn chế các thức ăn nhiều chất béo và dầu mỡ
Hạn chế sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến thận, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid, nếu sử dụng cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn.
Bệnh lupus ban đỏ biến chứng thận gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để kiểm soát được bệnh, bạn nên theo dõi quá trình điều trị thật cẩn thận và thường xuyên trao đổi với bác sĩ nếu phát hiện các triệu chứng bất thường. Chúc các bạn luôn có một sức khỏe tốt.
Nguồn: VHO