[Cảnh báo] Nhiễm trùng thận: Dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị
Đánh giá bài viết ngay
Nhiễm trùng thận là bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lọc máu và bài tiết nước tiểu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng người mắc. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị trong nội dung sau!
Nhiễm trùng thận là thế nào?
Nhiễm trùng thận hay bệnh viêm đài bể thận là một trong những tình trạng nhiễm trùng khá thường gặp ở đường tiết niệu. Bệnh này thường bắt nguồn từ việc nhiễm trùng đường tiểu dưới tại bàng quang và niệu đạo. Khi vi khuẩn xâm nhập vào các bộ phận này, chúng sinh sôi phát triển nhanh chóng rồi di chuyển ngược lên trên theo đường tiểu và gây nhiễm trùng tại thận. Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết hoặc thậm chí gây tử vong. Vì thế, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan với tình trạng này.
Triệu chứng nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận thường xuất phát từ một số triệu chứng ở vùng đường tiểu dưới và sẽ trầm trọng hơn khi vi khuẩn lội ngược dòng xâm nhập vào đường tiểu bên trên.
Nếu có những triệu chứng được đề cập dưới đây thì cần nghi nhiễm trùng thận và thăm khám kịp thời:
Sốt cao trên 38 độ C hoặc có thể lên tới 39 – 40 độ C.
Rét run, sợ lạnh
Cảm thấy buồn nôn, nôn mửa
Đau vùng hông, đau bụng dưới vùng rốn, đau vùng thận.
Buồn tiểu liên tục không thể nhịn được và phải đi tiểu thường xuyên
Khi tiểu có cảm giác đau rát chạy dọc theo đường nước tiểu đi
Nhìn thấy máu trong nước tiểu, nước tiểu có màu hồng hoặc có mủ
Nước tiểu có mùi nồng nặc khó chịu bất thường.
Nguyên nhân bệnh
Nguyên nhân gây nhiễm trùng thận là do sự xâm nhập của vi khuẩn vào ống niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể) rồi phát triển và gây viêm nhiễm tại đường tiết niệu. Vi khuẩn sau đó phát triển, sinh sôi nảy nở rồi di chuyển lên trên bàng quang và thận gây viêm nhiễm.
Vi khuẩn điển hình gây bệnh là E. Coli (Escherichia coli). Vi khuẩn này thường được tìm thấy trong ruột và phân. Bằng một cách nào đó chúng xâm nhập vào niệu đạo, sinh sôi nhanh chóng và gây hại tại thận.
Ngoài E.Coli, Enterobacteria và Klebsiella cũng là những vi khuẩn rất phổ biến gây nhiễm trùng ở thận. Thống kê cho thấy, những loại vi khuẩn bám trên da hoặc tồn tại lơ lửng trong không khí ít hoặc cực hiếm gây nhiễm trùng thận.
Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn xâm nhập, bệnh nhiễm trùng thận còn có thể do một số nguyên nhân khác như:
Nhiễm trùng từ cơ chế truyền vi khuẩn tại cơ quan khác trong cơ thể đến thận rồi gây bệnh. Điển hình là cơ chế truyền vi khuẩn thông qua máu. Trường hợp này thường ít xảy ra nhưng đa số trường hợp nó đều để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Cơ chế nhiễm trùng ngược dòng. Trường hợp này có thể do người bệnh đang điều trị một bệnh nào đó liên quan đến thận mà cần đặt ống thông tiểu tiện, nội soi niệu đạo hoặc nội soi bàng quang để lấy sỏi…
Ngoài E.Coli, có một số loại vi khuẩn khác thường được tìm thấy trong bệnh này là: vi khuẩn lậu, vi khuẩn đường ruột, liên cầu khuẩn, vi khuẩn tụ cầu vàng, xoắn khuẩn giang mai, Proteus, Haemophilus Influenzae, vi khuẩn gây thương hàn… hoặc một số loại virus như viêm gan B, Adenovirus, HIV, các loại ký sinh trùng như Toxoplasma…
Yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng thận
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng thận, tuy nhiên những đối tượng và các yếu tố sau góp phần lớn vào việc gây bệnh này:
Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu: Thống kê cho thấy cứ 30 người mắc bệnh này thì 1 người bị nhiễm trùng thận.
Phụ nữ: Do niệu đạo của nữ giới ngắn hơn so với nam giới và nó gần với hậu môn và âm đạo nên vi khuẩn cũng dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo hơn.
Phụ nữ có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng thận hơn nam giới
Mang thai: Phụ nữ trong thời gian thai kỳ có sự thay đổi ở đường tiết niệu để phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, việc vệ sinh trong giai đoạn này cũng khó khăn hơn nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Suy giảm hệ miễn dịch: Những người có bệnh tiểu đường, người bị ức chế hệ thống miễn dịch do dùng thuốc, người nhiễm HIV/AIDS…
Người bị tổn thương tủy sống, dây thần kinh dẫn tới bàng quang bị tổn thương… khiến cho việc nhận tín hiệu về nhiễm trùng ở thận kém hơn.
Tình trạng bí tiểu kéo dài.
Tình trạng nước tiểu chảy ngược lên trên thận.
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Tỷ lệ mắc
Mặc dù khá phổ biến nhưng không có quá nhiều thống kê về tỷ lệ nhiễm trùng thận trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu tại bệnh viện vào năm 2007 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất gặp ở nữ giới, trẻ sơ sinh và người cao tuổi.
Ngoài ra, báo cáo cho thấy trên 10.000 nữ giới mắc bệnh này thì có khoảng 12-13 trường hợp ngoại trú và 3-4 trường hợp cần điều trị nội trú. Trong khi đó, tỷ lệ nội trú ở nam giới là 1-2 trường hợp và ngoại trú là 2-3 trường hợp trong tổng số 10.000 người mắc.
Nhiễm trùng thận có nguy hiểm không?
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhiễm trùng thận không quá nguy hiểm và có thể được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, nếu để bệnh phát triển nặng hơn nó có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng với sức khỏe. Một số biến chứng đáng sợ mà người bệnh có thể phải đối mặt đó là:
Hỏng thận, mắc bệnh thận mãn tính, thậm chí là suy thận.
Nhiễm trùng huyết nếu vi khuẩn từ thận xâm nhập vào máu, đe dọa tính mạng người bệnh.
Sẹo thận, cao huyết áp.
Ảnh hưởng đến thai nhi (đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh), khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân và gặp nhiều vấn đề khác.
Phương pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người nhiễm trùng thận như sốt, rét run, đau khi đi tiểu, nước tiểu bất thường, đau vùng lưng hông…
Ngoài ra, người bệnh còn cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để có cơ sở chẩn đoán chính xác bệnh này. Điển hình:
Khám trực tràng ở nam giới nhằm kiểm tra tuyến tiền liệt có bị phình to bất thường gây chèn ép lên bàng quang không.
Xét nghiệm nước tiểu nhằm tìm ra vi khuẩn khu trú và các tế bào bạch cầu có lẫn trong đó.
Nuôi cấy nước tiểu nhằm xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh.
Chụp CT scan, siêu âm hoặc chụp MRI để cung cấp hình ảnh chính xác về các tổn thương nếu có ở quả thận.
Phương pháp điều trị nhiễm trùng thận
Với những trường hợp thông thường không quá nghiêm trọng, người bệnh nhiễm trùng thận có thể phải dùng các loại kháng sinh để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Tùy vào mức độ viêm nhiễm, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng thể chất thực tế mà bác sĩ sẽ kê các loại kháng sinh và liều dùng thích hợp.
Loại thuốc kháng sinh giảm đau người bệnh thường được sử dụng là acetaminophen. Ngoài ra, nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc này thì có thể cần dùng toa thuốc đặc hiệu khác.
Ngoài ra, người bị nhiễm trùng thận được khuyến khích uống nhiều nước (6-8 cốc) mỗi ngày để vi khuẩn dễ dàng được loại bỏ thông qua đường tiểu tiện.
Trên thực tế, người bệnh tuân thủ điều trị thường sẽ thuyên giảm các triệu chứng sau 3-5 ngày dùng thuốc. Điển hình là việc hạ sốt, giảm đau lưng hông, nước tiểu trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, dù đã thấy triệu chứng thuyên giảm nhưng người bệnh cũng không nên tự ý bỏ thuốc, cần sử dụng kháng sinh đủ liều để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn trong thận.
Với những trường hợp nặng, người bệnh có thể phải nhập viện để được điều trị và theo dõi chặt chẽ. Các trường hợp nhiễm trùng thận nặng có thể phải dùng kháng sinh liều cao truyền qua đường tĩnh mạch.
Với trường hợp nhiễm trùng thận do nấm thì cần dùng thêm thuốc kháng nấm.
Trường hợp nhiễm trùng do ký sinh trùng thì cần dùng thuốc diệt ký sinh trùng. Điển hình là Metronidazole, Albendazol, Mebendazol hoặc Praziquantel…
Trường hợp tái phát nhiều lần cần được tìm hiểu rõ ràng về nguyên nhân để có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Biện pháp phòng ngừa
Uống đủ nước mỗi ngày
Không nhịn tiểu
Tiểu tiện ngay sau khi quan hệ tình dục
Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày
Không quan hệ tình dục bừa bãi
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh lý nhiễm trùng thận. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những nội dung hữu ích. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Nguồn: VHO