Bị khản tiếng lâu ngày: dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Khản tiếng là tình trạng tổn thương ở thanh quản, khi phát âm hai dây thanh không khép kín. Có nhiều nguyên nhân gây khản tiếng khác nhau như viêm amidan, viêm thanh quản,… Thông thường, khản tiếng tiến triển nhanh trong 1 – 2 ngày và khỏi sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, một số người bệnh bị khản tiếng kéo dài cả tháng hoặc vài tháng. Khản tiếng lâu ngày có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tìm hiểu rõ hơn căn bệnh này trong bài viết dưới đây để biết cách phòng ngừa kịp thời.
Những Nội Dung Cần Lưu Ý
1. Khản tiếng lâu ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?2. Bị khản tiếng lâu ngày có nguy hiểm không?3. Nguyên nhân gây ra khản tiếng lâu ngày không khỏi4. Phòng ngừa khản tiếng kéo dài
1. Khản tiếng lâu ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Bị khản tiếng lâu ngày
Nếu tình trạng khản tiếng của bạn kéo dài trên 3 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như:
Viêm thanh quản mạn tính: Thanh quản bị kích thích, tổn thương quá mức do nói, hát quá nhiều hay hút thuốc lá, sống trong môi trường độc hại có thể gây ra viêm mạn tính.
U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm: Là tình trạng có các hạt nhỏ hoặc u nang gắn vào dây thanh âm. Thường xảy ra do lạm dụng giọng nói quá thường xuyên khiến thanh quản bị viêm không thể phục hồi.
Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên vùng hầu họng, thường xảy ra vào ban đêm. Acid dạ dày tiếp xúc với thanh quản trong thời gian dài sẽ phá hủy dây thanh âm khiến giọng nói của bạn khàn đi. Người bệnh thường cảm thấy giọng khản đặc, miệng đắng vào buổi sáng.
Suy giáp: Khản tiếng là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh lý tuyến giáp.
Ung thư thanh quản: Thường gặp ở người nghiện thuốc lá lâu ngày. Ung thư thanh quản thường tiến triển âm thầm, dấu hiệu cảnh báo sớm nhất là khản tiếng.
Liệt dây thanh âm một bên: Dây thanh âm bị liệt do chấn thương, phẫu thuật vùng cổ họng thường có dấu hiệu rõ ràng nhất là khản tiếng.
2. Bị khản tiếng lâu ngày có nguy hiểm không?
Khản tiếng không phải là bệnh lý đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Thông thường khản tiếng sẽ thuyên giảm sau 5 – 7 ngày nếu nghỉ ngơi và chăm sóc dây thanh âm hợp lý. Tuy nhiên, nếu khản tiếng lâu ngày có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc của người bệnh, thậm chí dẫn tới một số bệnh lý nguy hiểm. Dưới đây là một số ảnh hưởng tiêu cực của khản tiếng lâu ngày:
Ảnh hưởng đến sức khỏe: Khản tiếng là một trong những dấu hiệu cảnh báo sự suy yếu của dây thanh âm. Dây thanh âm suy yếu tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây hại tấn công và có thể lan ra toàn bộ hệ hô hấp, dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản. Khi tình trạng này kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản.
Ảnh hưởng đến giao tiếp: Khản tiếng thường đi kèm với tình trạng đau rát họng khiến người bệnh gặp khó khăn khi nói, lâu dần sẽ trở nên ít nói hơn. Khi không giao tiếp, tuyến nước bọt hoạt động kém kết hợp với các ổ viêm nhiễm sẽ gây ra tình trạng hôi miệng. Điều này là một trong những rào cản trong giao tiếp, khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp hơn.
Ảnh hưởng đến công việc: Khản tiếng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng giao tiếp của người bệnh. Điều này làm suy giảm chất lượng công việc, đặc biệt ở những người có đặc thù công việc cần sử dụng giọng nói thường xuyên. Khàn tiếng lâu ngày có thể khiến nhiều người phải từ bỏ công việc của bản thân.
3. Nguyên nhân gây ra khản tiếng lâu ngày không khỏi
Một vài nguyên nhân khiến tình trạng khản tiếng kéo dài
Dưới đây là một số lý do có thể khiến giọng nói của bạn trở nên khàn đặc trong một thời gian dài:
La hét, cổ vũ,… khóc trong thời gian dài.
Tăng hoặc giảm âm vực của giọng nói trong thời gian dài khiến thanh quản bị căng thẳng.
Lạm dụng giọng nói, thường gặp nhất ở những người làm nghề giáo viên, nhân viên bán hàng, ca sĩ,…
Hút thuốc lá, ngửi khói thuốc lá liên tục.
Ăn đồ cay nóng hoặc sử dụng chất kích thích liên tục.
Nhiễm vi khuẩn hoặc virus trong thời gian dài.
Sống hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và các chất gây kích ứng.
Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài.
Xem thêm
Bị khản tiếng nên ăn gì? Thầy thuốc Việt Nam tư vấn
4. Phòng ngừa khản tiếng kéo dài
Nếu đang bị khản tiếng và muốn hạn chế tình trạng này tái phát, bạn cần tuân thủ một số lời khuyên sau để nhanh chóng lấy lại giọng nói:
Hạn chế nói càng nhiều càng tốt.
Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày. Không uống nước quá lạnh hoặc quá nóng, chỉ nên uống nước ấm.
Ngưng hút thuốc lá hoặc tránh xa khu vực có khói thuốc lá.
Không sử dụng rượu bia hay các chất kích thích.
Giữ ấm cho vùng hầu họng, không để điều hòa quá lạnh (dưới 25 độ) hoặc để quạt thổi trực tiếp vào mũi miệng.
Không để gió lạnh lùa vào người.
Không để phòng quá khô, nên sử dụng thiết bị lọc và làm ẩm không khí trong phòng.
Ăn uống đủ chất, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn.
Có thể dùng thêm mật ong, chanh, gừng,… để ngậm giúp phục hồi niêm mạc và tăng cường sức đề kháng.
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây mà một số thông tin về tình trạng khàn tiếng kéo dài. Nếu bạn đang bị khản tiếng trên 1 tuần nhưng không thuyên giảm, đừng chần chừ mà đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị phù hợp nhất.
BS. Vũ Thị Anh Đào