Thuốc & Sức khỏe

Bệnh viêm khớp ở trẻ em có nguy hiểm không?

Đánh giá bài viết ngay

Nhắc tới viêm khớp ta vẫn thường “mặc định” đó là căn bệnh của người cao tuổi. Ấy thế nhưng trên thực tế viêm khớp ở trẻ em lại là một bệnh có thật trong y khoa. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? bệnh này có nguy hiểm không và những giải pháp điều trị hiện nay là gì? tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong nội dung dưới đây!

Viêm khớp trẻ em là gì?
Viêm khớp trẻ em hay căn bệnh viêm khớp thơ ấu, viêm khớp vị thành niên là một dạng viêm khớp nguy hiểm vì nó có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn ở khớp, khiến trẻ khó khăn trong sinh hoạt và đứng trước nguy cơ tàn tật cao. Trong nhiều loại viêm khớp ở trẻ, loại bệnh phổ biến nhất là viêm khớp vô căn vị thành niên (được viết tắt là JIA) hay viêm khớp dạng thấp vị thành niên.

Viêm khớp trẻ em có chữa khỏi không?
Viêm khớp ở trẻ em là một căn bệnh “quái ác” vì nó thường để lại những tổn thương vật lý vĩnh viễn ở khớp và gây ra nhiều hệ lụy cho tương lai. Đến nay, vẫn chưa có cách chữa trị đặc hiệu bệnh này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có trường hợp trẻ em hồi phục được bệnh này.

Triệu chứng bệnh
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp trẻ em không đồng loạt ở mọi thời điểm. Điều này có nghĩa là triệu chứng có thể bùng phát, tăng nặng khi vào các đợt cấp. Nhưng cũng có những thời điểm triệu chứng chỉ là duy trì hoặc thuyên giảm. Tuy nhiên có những triệu chứng được coi là điển hình của bệnh này là:

Cơn đau khớp, khớp sưng tấy, cứng khớp.
Cơn đau, co cứng khiến cho việc sinh hoạt, vận động, đi lại của người bệnh gặp khó khăn hơn.
Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, có sốt, ăn không ngon, không chơi đùa.
Một số trường hợp mọc nốt phát ban, viêm mắt…

Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn thăm khám và điều trị trên nhiều trường hợp người ta cho rằng có sự liên quan giữa bệnh này và sự bất thường ở hệ thống miễn dịch

Chẩn đoán viêm khớp ở trẻ em
Để chẩn đoán bệnh viêm khớp trẻ em, các bác sĩ không những cần căn cứ vào các triệu chứng của bệnh mà còn phải dựa trên kết quả trên phim chụp X-quang và một số xét nghiệm cần thiết khác.

Nếu nghi ngờ con trẻ mắc bệnh này, cha mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời và chính xác nhất.

Biến chứng viêm khớp trẻ em
Hệ thống xương khớp của trẻ em và thanh thiếu niên được phát triển và hoàn thiện từng ngày. Do đó, nếu có bệnh viêm khớp nhưng trẻ không được điều trị thì sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Thể viêm khớp mãn tính.
Cơ thể phát triển không bình thường: Viêm khớp thời thơ ấu có thể khiến cho hệ xương khớp, dây chằng, xương sụn của trẻ phát triển không bình thường sau này. Điển hình là trẻ sinh ra có thể có một bên bàn tay/chân có ngón quá ngắn, quá dài hoặc quá to so với bên còn lại.
Bệnh về mắt: Trẻ em mắc viêm khớp lâu ngày đứng trước nguy cơ nhiễm viêm hốc mắt, suy giảm thị giác, đau mắt đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng, tăng nhãn áp, bệnh đục thủy tinh thể hoặc thậm chí là mù lòa.
Cơ thể suy nhược: Cơn đau đớn của bệnh khiến cho trẻ mất ngủ, ăn uống khó khăn, mệt mỏi, thấp bé nhẹ cân, suy giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch, suy nhược cơ thể… Gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cả về thể chất và tâm sinh lý của bé sau này.
Hạn chế khả năng vận động: Bệnh này khiến trẻ không thể tự do chạy nhảy, vui đùa như bình thường. Lâu dần trẻ sẽ hình thành tâm lý e ngại, tự ti, dễ cáu kỉnh, trầm cảm.
Teo cơ, bại liệt: Nếu tổn thương do viêm khớp nghiêm trọng có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm nhất là teo cơ, khớp biến dạng, bại liệt, tàn phế.

Phương pháp điều trị
Mặc dù chưa có phương pháp đặc hiệu cho bệnh này nhưng viêm khớp ở trẻ em càng được điều trị sớm thì càng giảm được nguy cơ biến chứng về vận động có thể xảy ra. Nhìn chung các phương pháp đều hướng đến mục tiêu chính là giảm tổn thương và ngăn ngừa tình trạng tổn thương vĩnh viễn ở sụn khớp. Dưới đây là một số phương án thường được áp dụng:

Dùng thuốc tây

Thuốc chống viêm không có steroid: Loại thuốc này có công dụng giảm viêm, giảm sưng, giảm đau nhức cũng như nhiều triệu chứng khác cho trẻ. Điển hình là Naproxen, Ibuprofen. Lưu ý không dùng Aspirin vì thuốc này có thể làm dạ dày trẻ kích ứng nặng.
Thuốc chống thấp khớp DMARDs: Có công dụng làm chậm các tổn thương viêm khớp, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Thông thường, loại thuốc này sẽ được kết hợp dùng với thuốc chống viêm không có steroid để tăng công hiệu. Một số loại thuốc điển hình là Sulfasalazine hoặc Methotrexate.
Corticosteroid: Chỉ định dùng với những trẻ bị viêm khớp thể nặng nhìn thấy nguy cơ biến chứng. Thường dùng corticosteroid dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào đường tĩnh mạch. Thuốc này khi vào cơ thể sẽ giúp giảm sưng đau, hạn chế tình trạng xơ cứng khớp.
Thuốc sinh học: Đây là phương án dùng dự phòng trong trường hợp tất cả những loại thuốc trên không có hiệu nghiệm đối với trẻ. Thuốc này có công dụng cải thiện, kiểm soát tốt cơn đau và tình trạng viêm nhiễm. Điển hình trong nhóm thuốc này là Anakinra, Adalimumab hoặc Abatacept.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp hỗ trợ giúp trẻ giảm đau tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì cần sự kiên trì nhất định.

Xoa bóp bấm huyệt là hai trong số những liệu pháp trị liệu thường được áp dụng trong căn bệnh này. Để đảm bảo an toàn, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y học cổ truyền thực hiện, không nên tự thực hiện tại nhà.

Phẫu thuật
Đây là phương án sau cùng được chỉ định nếu tình trạng viêm khớp ở trẻ đã diễn tiến nặng, có tổn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động của trẻ. Một số phương pháp thường được chỉ định là:

Nội soi: Dùng cho viêm khớp ở đầu gối, khuỷu, cổ tay, hông.
Sửa chữa gân.
Chỉnh trục.
Phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp nếu có hoại tử.

Chữa viêm khớp trẻ em bằng dân gian

Một số bài thuốc Đông y có thể được sử dụng trong điều trị viêm khớp ở trẻ em ví dụ như:

Bài 1: Xuyên độc hoạt, hoài ngưu tất, sơn hoa trà (mỗi thứ 8g); tần cửu, tang ký sinh, tư trọng, bạch thược, sinh địa, thổ phục linh (mỗi vị 12g); Nhân sâm, tế thảo, cam thảo, nhục quế (mỗi vị 4g); xuyên khung (6g). Tất cả cho sắc với 5 bát nước trên lửa nhỏ tới khi còn 2 bát. Chia làm 2 phần uống trong ngày.
Bài 2: Địa Hoàng (32g); Hoài sơn, sơn thù du (mỗi vị 16g); Mã đề thảo, bạch linh, đơn bì (mỗi vị 12g); Quế đơn, phụ tử chế (mỗi vị 4g). Tất cả đem sắc với nước tới khi còn ½. Chia làm 2-3 lần uống trong ngày khi còn ấm.
Bài 3: Dùng 100g ngải cứu rửa sạch rồi xào nóng với rượu trắng. Bọc hỗn hợp trong tấm vải sạch rồi đắp lên vùng khớp đau nhức trong 15 phút.

Phòng ngừa viêm khớp ở trẻ em
Mặc dù là một bệnh lý bẩm sinh nhưng phụ huynh vẫn không nên chủ quan. Hãy luôn phòng ngừa bệnh tật có thể xảy đến với con em mình, không loại trừ bệnh về xương khớp. Dưới đây là một số liệu pháp phòng ngừa, có lợi cho sức khỏe xương khớp của trẻ:

Cho trẻ uống đủ nước. Tùy vào độ tuổi mà lượng nước bổ sung có thể tăng giảm khác nhau. Việc thiếu nước rất nguy hiểm vì thành phần hoạt dịch bôi trơn sụn khớp có tới 70% là nước, nếu thiếu nước có thể đẩy nhanh tốc độ lão hóa gây bệnh.
Ăn uống điều độ, khoa học, không nên nhồi nhét cho trẻ ăn quá nhiều vì có thể dẫn tới thừa cân, béo phì không có lợi cho sức khỏe của hệ xương khớp.
Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết để tránh tình trạng đau nhức xương khớp do lạnh.
Khuyến khích trẻ vận động: Cho trẻ luyện tập thể dục, chơi thể thao là cách giúp xương khớp chắc khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, xương yếu.
Tuyệt đối tuân thủ về việc dùng thuốc cả về thời gian và liều lượng dùng thuốc cho bé trong bất cứ trường hợp nào. Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp nếu bị lạm dụng. Do đó, cha mẹ nên lưu ý điều này ngay từ sớm.

Tóm lại, sức khỏe xương khớp là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển cả về thể chất và cuộc sống sau này của trẻ. Trẻ càng được quan tâm tới vấn đề này từ sớm thì sau này càng phòng tránh được các nguy cơ bệnh tật về sau. Khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, cha mẹ nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt nhằm tránh những chuyển biến xấu về sức khỏe không đáng có có thể xảy đến. 

Những thông tin bên trên về bệnh viêm khớp ở trẻ em hy vọng đã cung cấp những kiến thức cần thiết cho phụ huynh về căn bệnh này!

Nguồn: VHO

Back to top button